z5377966004465 a25fb2080deec8688b2d9decda597330
 
 

Xây dựng phương án thiết kế xây dựng bia di tích lịch sử “Căn cứ Thị ủy Tam Kỳ”

Thứ hai - 25/10/2021 15:02
Chiều ngày 25.10, Thành ủy Tam Kỳ và Huyện ủy Phú Ninh tổ chức cuộc họp bàn về phương án thiết kế xây dựng bia di tích lịch sử “Căn cứ Thị ủy Tam Kỳ trong kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1963 – 1975”, tại địa điểm rừng phòng hộ hồ Phú Ninh, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh. Đồng chí Trần Nam Hưng – UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ và đồng chí Vũ Văn Thẩm – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh đồng chủ trì cuộc họp.

Từ năm 1963, các cơ quan đầu não của Thị ủy Tam Kỳ cũ chuyển đến đèo Đá Én bên dòng Thác Mui - Đá Chặt (nay thuộc lòng hồ Phú Ninh) để thuận lợi cho công tác chỉ đạo đánh địch. Khu căn cứ từng bị địch nhiều lần đem quân càn quét nhưng nhờ địa thế hiểm trở, dễ phòng tránh, gần các tuyến giao thông quan trọng nên các đồng chí lãnh đạo Đảng bộ Tam Kỳ dễ dàng rút lui vào núi Dương Huê hoặc Hố Ngãi... Cạnh đó, người dân quanh khu vực căn cứ hết lòng giúp đỡ cách mạng, tạo mọi điều kiện để Thị ủy Tam Kỳ lãnh đạo tổ chức đấu tranh chính trị và hàng loạt các cuộc nổi dậy và tiến công, tiến tới giải phóng hoàn toàn thị xã Tam Kỳ 24.3.1975.

Di tích khu căn cứ cách mạng cơ quan Thị ủy Tam Kỳ (giai đoạn 1963 - 1975), nay thuộc khu vực xã Tam Lãnh, Phú Ninh. Hàng năm, các đồng chí lãnh đạo 2 địa phương Tam Kỳ và Phú Ninh cùng các cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu trong kháng chiến và hoạt động tại căn cứ đã tổ chức dâng hoa, viếng hương tưởng niệm, tri ân đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và đồng đội đã anh dũng hy sinh trên vùng đất căn cứ địa cách mạng năm xưa.

Hiện trạng di tích gồm có 3 địa điểm: Thác Mui, Đá Chặt – Đèo Đá Én (di tích gốc) và địa điểm Hố Khế. Dự kiến quần thể di tích được đầu tư xây dựng tại di tích gốc là địa điểm Đá Chặt – Đèo Đá Én trên diện tích khoảng 2500m2, gồm các hạng mục: Nhà bia tưởng niệm, bến thuyền và hệ thống giao thông kết nối từ bến thuyền đến nhà bia. Kinh phí xây dựng di tích từ nguồn vốn đầu tư của 2 địa phương Tam Kỳ, Phú Ninh và xã hội hóa từ công ty CP Đầu tư Du lịch Hùng Cường. Tại cuộc họp, các đồng chí là cán bộ cách mạng cùng ngành chức năng của 2 địa phương cũng đã góp ý về phương án, vị trí đầu tư, kinh phí cũng như việc duy trì, phục dựng hiện trạng, xây dựng các sản phẩm du lịch mới làm phong phú điểm đến… để hoàn thiện phương án đầu tư. Kết luận cuộc họp, lãnh đạo 2 địa phương tiếp thu những ý kiến xác đáng và thống nhất sẽ phối hợp triển khai xây dựng quần thể di tích lịch sử “Căn cứ Thị ủy Tam Kỳ trong kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1963 – 1975” trong thời gian tới. Việc xây dựng quần thể di tích lịch sử “Căn cứ Thị ủy Tam Kỳ” nhằm tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau, tạo điểm đến góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Tác giả bài viết: HOÀNG BIN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây