z5377966004465 a25fb2080deec8688b2d9decda597330
 
 

Tam Kỳ - “Thành phố hoa vàng”

Chủ nhật - 07/04/2024 10:08
“Hương ba vĩnh bảo quang thiên cổ.Trà cẩm trường tồn kỷ vạn niên”.Câu ca được lưu truyền từ câu chuyện hàng năm đến tiết thanh minh tháng 3, hoa sưa nở vàng theo gió rơi xuống đất phủ kín những ngôi mộ người xưa và đường làng làm ấm lòng người đã khuất, hương sưa như an ủi và vỗ về người thiên cổ. Và cũng trong tiết thanh minh, những người đi tảo mộ về uống bát nước chè lá mang đậm đà hương vị của làng. Bởi Hương Trà từ buổi đầu lập làng, cây sưa được trồng trước ngõ và cây chè trồng sau vườn. Tên gọi làng Hương Trà là vì thế và nó bắt đầu từ loài cây gắn với buổi đầu cư dân phía Bắc mang theo trong hành trình nam tiến đã không còn là truyền thuyết mà trở thành hiện thực gắn với đời sống và sự phát triển của làng Hương Trà. Để rồi hôm nay, loài cây ấy đã trở thành cây di sản, cây đặc trưng của TP. Tam Kỳ.
Đường sưa vườn Cừa nở hoa
Đường sưa vườn Cừa nở hoa

   Theo gia phả tộc Trần, TP. Tam Kỳ và theo lời của ông Trần Xuân Quang - người con của Làng Hương Trà (phường Hòa Hương), người đã có thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử của Làng Hương Trà. Trong hành trình nam tiến theo đường biển từ thế kỷ XVI, cư dân đất Bắc mang theo cây sưa, dùng để chống, neo đậu thuyền. Với đặc tính dễ sinh trưởng, chỉ cần từ một khúc cây cắm xuống đất là cây tự nứt rễ bám đất bền chặt. Sau khi định cư ở vùng ven sông Tam Kỳ ngày nay, cây sưa theo nguồn nước lũ dạt về, cư dân đã lấy để đắp đường đê và trồng loài cây này dọc triền sông cũng là để giữ bờ đất, chống sói lở và bão lũ.

   Theo ông Trần Xuân Quang – Người con Làng Hương Trà, phường Hòa Hương, “Trong quá trình đắp đê, dân làng sử dụng các cành, nhánh cây sưa cắm phía dưới chân đê và trồng một hàng cừa dày đặc phía ngoài tạo nên độ chắc chắn cho công trình. Qua thời gian, cây sưa lớn dần lên, cành lá sum suê giữ chắc cho đường đê bình yên trước phong ba bão lũ. Con đường đê này cũng chính là con đường nối dài từ đầu làng đến cuối làng và là công trình “cự thủy an dân” mà dân làng Hương Trà đã mất bao mồ hôi, công sức để làm nên và gắn bó qua bao đời mưu sinh thăng trầm”. Hàng trăm năm đã qua đi, người dân Làng Hương Trà vẫn gìn giữ và coi những cây sưa cổ thụ như những báu vật, in đậm dấu ấn văn hóa của Làng.
 

z5323903019944 22a20d81d6a85fca2d00189b2d7291fd
Gắn bia cây di sản Giáng hương ấn

   Từ câu chuyện trồng sưa để cự thủy, an dân, nay làng Hương Trà đã trở thành Làng sinh thái. Qua mấy trăm năm, mặc cho sự đổi thay, biển chuyển của cuộc sống, và làn sóng đô thị hóa nơi thành phố trẻ Tam Kỳ. Làng vẫn giữ nguyên sự bình yên, trong lành dưới tán sưa. Làng Hương Trà hiện có khoảng 200 hộ dân trồng sưa với hàng trăm cây sưa lớn nhỏ. Cây sưa ở Hương Trà còn có tên gọi là cây Giáng hương ấn, dân làng còn gọi là cửu lý hương (tức là hương bay xa 9 dặm). Cây có đặc điểm rễ cắm sâu vào đất rất vững chắc, cành dẻo không bị gãy bởi gió bão. Mỗi năm hai lần vào trung tuần tháng 3 và hạ tuần tháng 4 âm lịch, những hàng sưa cổ thụ quanh năm tỏa bóng mát xuống dòng sông Tam Kỳ đồng loạt mãn khai. Dưới nắng nhẹ trời xuân, sắc vàng hoa sưa phản chiếu xuống mặt sông óng ánh như một dải lụa vàng. Hoa sưa từng mảng vàng che lấy bầu trời xanh, có cơn gió nhẹ thổi từ triền sông vào, từng cánh hoa li ti theo gió thả từ trên cao xuống rải vàng khắp lối đi … tạo nên một khung cảnh đẹp nên thơ.

   Với vẻ đẹp tự nhiên ấy của cây sưa, từ năm 2018 trở lại đây, thành phố Tam Kỳ đã tổ chức Lễ hội Tam Kỳ mùa hoa sưa ngay tại Làng Hương Trà. Lễ hội hoa sưa được tổ chức thường niên vào tháng 3 âm lịch với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, trong đó giới thiệu đến du khách không gian làng quê, thưởng thức ẩm thực đậm chất quê; biểu diễn các nghề truyền thống như: nghề rèn, tráng mỳ, bánh tét, bánh chưng; tổ chức đua thuyền trên sông Tam Kỳ và đặc biệt đón hàng nghìn du khách gần xa đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa sưa và trải nghiệm không gian làng quê yên bình. Bà Ngô Thị Thanh Quế – Du khách đến từ thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cùng bạn bè ra tham quan Lễ hội mùa hoa sưa thành phố chia sẻ “Lần đầu tiên tôi ra đây, thấy cây sưa quá sức đẹp. Trong Quảng Ngãi không có cây sưa, hoa sưa như thế này. Tôi rất thích và sẽ rủ thêm bạn bè trong Quảng Ngãi để ra đây tham quan, tìm hiểu, chụp hình với cây sưa”.
 

z5323905048340 faa4e591ec07f2297b6f4f6056428f1a
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh và thành phố chụp ảnh lưu niệm dưới tán sưa

   Bà Võ Thị Xuân Mai – Du khách thành phố Đà Nẵng đi cùng 04 người bạn tham dự Lễ hội hoa sưa năm 2023, cho rằng “Mặc dù đã đến vườn Cừa nhiều lần nhưng mỗi lần lại là một cảm xúc,, một vẻ đẹp khác nhau. Nơi này không gian thoáng mát, con đường bên cạnh dòng sông thật yên bình. Tôi đến hoài mà không thấy chán.

   Trong Đề án phát triển du lịch thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2025, Làng Hương Trà (phường Hòa Hương) được chọn để phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Với những ưu thế về di tích văn hóa - lịch sử, cảnh quan cây đa – bến nước – sân đình được gìn giữ vẹn nguyên, không gian nên thơ, trữ tình, những giá trị văn hóa bồi đắp qua thời gian cùng với loài cây, loài hoa biểu tượng của nơi này đã làm nên sự khác biệt của Làng sinh thái Hương Trà.
 

z5323905303890 95c0353ca68ea53c5aab8cf5fd0c2a28
Phụ nữ phường Hoa Hương bên gốc sưa cổ thụ

   Không chỉ là loài cây đặc trưng của Làng Hương Trà mà từ năm 2010, thành phố đã có chủ trương bảo tồn loài cây này gắn với lịch sử giữ đất giữ làng của Tam Kỳ. Với nét đẹp đặc trưng hoa vàng, hương thơm dịu, thân gỗ có giá trị kinh tế, là loại gỗ quý, cứng và có mùi thơm trong quá trình sử dụng, đặc tính dễ trồng, nên cây sưa đã được nhân giống phát triển thành cây đô thị chủ yếu trên địa bàn, với mong muốn tương lai xây dựng được thương hiệu Thành phố hoa vàng. Đến nay, thành phố đã trồng và bảo tồn được trên 2000 cây sưa hoa vàng, chiếm hơn 10% trong tổng số cây xanh trên toàn địa bàn. Trong đó, tại phường Hòa Hương có 552 cây hoa sưa, riêng đường Hương Trà có 115 cây sưa hoa vàng (Giáng Hương Ấn).

   Và không còn gì vui hơn khi mới đây Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã họp, xét duyệt hồ sơ đề nghị của TP. Tam Kỳ và kết luận 9/12 cây giáng hương ấn đã đạt đầy đủ các tiêu chí, được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Được biết, tại Làng Hương Trà có  hơn 50 cây giáng hương ấn có tuổi đời hơn và gần 100 năm tuổi, trong đó 12 cây sưa cổ thụ được thành phố Tam Kỳ đề nghị công nhận cây di sản có độ tuổi trên 100, cây lớn nhất có chu vi gần 2,7m và độ cao 9,2m. Có thể nói, chưa một nơi nào trên đất nước Việt Nam ngoài thành TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam có hàng cây sưa cổ thụ với độ tuổi lớn như vậy. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Hương Trà, phường Hoà Hương nói riêng mà còn là niềm vui của Nhân dân thành phố. Ông Nguyễn Văn Em – Khối phố trưởng khối phố Hương Trà Tây, phường Hoà Hương vui mừng “Tôi cũng như nhiều người dân Làng Hương Trà rất vui mừng và tự hào khi cây sưa được công nhận cây di sản. Đây cũng là một trọng trách lớn, chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn, nhân giống thêm để có một quần thể sưa lớn, góp thêm mảng xanh cho Làng, cho thành phố”.

   Theo ông Nguyễn Minh Nam – Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Tam Kỳ, có được quần thể sưa Hương Trà với có 9 cây sưa được công nhận cây di sản Việt Nam, là kết quả mà các bậc tiền nhân đã gầy công xây dựng Làng Hương Trà. Trong quá trình đó, chính người dân đã trồng và vun đắp, xây dựng nên. “Nhiều nhiệm kỳ qua, lãnh đạo thành phố đã tập trung lãnh chỉ đạo cùng với hệ thống chính trị phường Hoà Hương gìn giữ, bảo tồn và phát triển cây sưa. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục phát triển hệ thống sưa vàng thông qua các dự án đầu tư tuyến nội thị. Đã lập quy hoạch chi tiết cảnh quan Làng du lịch sinh thái Hương Trà, trong đó tiếp tục trồng, phát tiển, thể chế hoá cây sưa, đặc biệt phát động Nhân dân trồng, hiến tặng cây sưa cho thành phố”.
 

z5323905452986 7c7faac96d661cfcec78ddc9b3a3ce16
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thời đại tổ chức tại vườn Cừa thơ mộng

   TP. Tam Kỳ đang vươn mình lên phố lớn – là đô thị xanh, sinh thái và thông minh. Từ trong lòng phố thị, loài cây di sản đang hồi sinh từ chính ý thức của người dân và sự quan tâm của chính quyền, góp thêm nét tươi xanh cho thành phố trẻ. Cây sưa (hay còn gọi là Giáng Hương Ấn) đã trở thành cây đô thị, cây đặc trưng của thành phố Tam Kỳ, mang dấu ấn thương hiệu mùa hoa vàng, thúc đẩy du lịch nơi đây phát triển. Và cứ vào tháng ba âm lịch, hoa sưa nở rộ, thành phố tràn ngập trong sắc vàng trải dài trên những con đường và ven sông Tam Kỳ, gây thương nhớ cho những ai đã một lần đặt chân đến và như thôi thúc, réo gọi những tâm hồn yêu mến thành phố hoa sưa vàng quay trở lại thêm lần nữa.

   Từ những việc đã và đang làm, thành phố đang góp phần giữ gìn bảo tồn và phát triển loài cây sưa, cây di sản của Tam Kỳ như giá trị vật thể và phi vật thể trong quá trình phát triển quê hương với mong muốn trong tương lai không xa, thương hiệu“ Tam Kỳ- Thành phố hoa vàng” sẽ được khẳng định và được du khách và bạn bè phương xa biết đến nhiều hơn nữa.

Tác giả bài viết: BÍCH LIÊN – MINH TẤN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây