1 1
 
 

Rạng rỡ truyền thống ngành giáo dục Tam Kỳ

Chủ nhật - 20/11/2022 07:58
Đi lên cùng với sự phát triển của Tam Kỳ, sự nghiệp giáo dục của thành phố không ngừng phát triển vượt bậc, có sự tham gia của các cấp, ngành, địa phương và toàn dân, với những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện, đem lại thành quả to lớn trong việc giáo dục, đào tạo nhân tài đóng góp cho sự phát triển của thành phố Tam Kỳ nói riêng và đất nước nói chung.
Cô giáo Nguyễn Thị Tâm - Trường TH Kim Đồng và học sinh nhhững năm sau giải phóng
Cô giáo Nguyễn Thị Tâm - Trường TH Kim Đồng và học sinh nhhững năm sau giải phóng
Bước ra từ chiến tranh, giữa ngổn ngang khó khăn của thời hậu chiến, giáo dục Tam Kỳ cách đây hơn 40 năm đã bước đi từ những gian nan, thiếu thốn. Cơ sở vật chất tạm bợ. Thị xã Tam Kỳ ngày ấy bao gồm cả huyện Núi Thành, Phú Ninh có 50 trường cấp I, II. Và sau đó, cũng chỉ có thêm 2 trường THPT. Cơ sở vật chất là vậy, việc đi lại học tập cũng vất vả bội phần. Nhiều học sinh thời bấy giờ phải lặn lội trên những con đường đất, sình lầy trong mùa mưa để đến trường, giáo viên ở tạm trong những khu tập thể cũ nát. Thầy và trò vừa cố gắng bám trường bám lớp, vừa dạy học, vừa tăng gia lao động sản xuất. Chính từ những khó khăn trong bối cảnh chung của tỉnh nhiều năm sau giải phóng, nên đội ngũ giáo viên rất thiếu, trẻ trong độ tuổi đi học ra lớp chưa đảm bảo phổ cập giáo dục, học sinh bỏ học giữa chừng chiếm tỉ lệ cao, chất lượng giáo dục thấp. Nhưng cũng giữa bao khó khăn ấy, với tinh thần hiếu học, tinh thần yêu quê hương đất nước và khát vọng khôi phục phát triển quê hương, cán bộ giáo viên ngành giáo dục cùng cán bộ và nhân dân thành phố đã nỗ lực vượt khó, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của Tam Kỳ.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Tâm, nguyên là giáo viên của Trường TH Kim Đồng kể lại “ Khó khăn lớn nhất hồi đó là phương pháp và đồ dùng dạy học. Tất cả giáo viên phải tự nghiên cứu, sáng tạo, cùng trao đổi với nhau để có phương pháp dạy tốt nhất, tự làm đồ dùng dạy học cho từng môn học. Lúc đó, đời sống giáo viên cũng rất khó khăn nhưng đó không phải là vấn đề vì thời điểm đó ai cũng như vậy. Có một điều là Tam Kỳ cũng như Quảng Nam có truyền thống hiếu học, nghèo khó cũng vẫn cho con đi học, học sinh thì rất háo hức đến trường, còn chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến giáo dục. Vì vậy giáo viên không thể nào sao nhãng nhiệm vụ mà phải quyết tâm dạy học để không phụ lòng mong đợi của cán bộ, nhân dân và học sinh”. 
Đi qua những khó khăn của thời hậu chiến và thời kỳ bao cấp, ngành giáo dục Tam Kỳ đã vững vàng đi lên những năm sau đó. Thời điểm 1997, sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam -Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính, Tam Kỳ trở thành tỉnh lỵ Quảng Nam, đây là cơ hội lớn để thành phố phát triển trên các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Và đến năm 2005, sau khi chia tách đơn vị hành chính để thành lập Huyện mới Phú Ninh, Tam Kỳ đã phát triển vượt bậc, trong đó lĩnh vực giáo dục được quan tâm hàng đầu với hàng loạt các chính sách, chủ trương mạnh mẽ. Từ giai đoạn này, thành phố đã ban hành các đề án tạo sức bật cho giáo dục. Trong đó Tam Kỳ đi đầu chuyển đổi loại hình trường mầm non, mẫu giáo bán công sang công lập, nhằm đảm bảo đầu tư đồng bộ, đều khắp cho hệ thống các trường mầm non trên địa bàn, cũng như chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên lúc bấy giờ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân. Và giai đoạn 1 của đề án này bắt đầu đầu tư cho 6 địa phương vùng ven, nơi đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn hơn nội thành. Đến năm 2015 đề án hoàn thành trên toàn thành phố, chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ được nâng cao rõ rệt, cũng từ đây công tác xã hội hóa đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy học, sinh hoạt bán trú cho trẻ được nhân dân đồng thuận ủng hộ tích cực
Cũng thời gian này, Tam Kỳ đã ban hành nhiều chương trình, đề án nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy - học; nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh và tin học ở bậc tiểu học. Từ năm 2010, Đảng bộ thành phố Tam Kỳ đã ban hành các Nghị quyết về phát triển giáo dục theo từng giai đoạn, đáp ứng thực tế và yêu cầu đặt ra. Các Nghị quyết này tiếp tục được Hội đồng nhân dân, UBND thành phố và các ngành địa phương cụ thể hóa bằng đề án, chủ trương, chính sách phù hợp, hiệu quả với số chi ngân sách đầu tư cho giáo dục đạt hơn 21% tổng chi ngân sách địa phương.
Chính sự quan tâm của địa phương cùng việc triển khai kịp thời, hiệu quả các đề án đã giúp cho trường, lớp học trên địa bàn thành phố có những bước chuyển động đáng kể theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa. Đến năm 2020, 100% trường học thuộc thành phố đã được tầng hóa; đến năm 2022 có 100% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 17 trường đạt chuẩn mức độ 2 (MN, MG: 08, Tiểu học: 05, THCS: 04). Tam Kỳ vươn lên tốp những địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn và kiên cố hóa cao nhất tỉnh.
Cùng với tập trung đầu tư nguồn lực nhằm tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển cơ sở vật chất trường lớp học, thời gian qua, Tam Kỳ còn đưa ra nhiều đổi mới trong công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý. 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn, trong đó tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt khá cao. Nhiều phong trào thi đua : “Dạy tốt học tốt” ; “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”; “ Trường học thân thiện, học sinh tích cực”...đã được triển khai và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của của giáo viên, học sinh, tạo khí thế thi đua dạy và học trong mỗi nhà trường. Kết quả, chất lượng giáo dục của Tam Kỳ đã được nâng lên qua từng năm. Hàng năm, tổng số trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Đối với bậc học tiểu học, 100% trường tổ chức bán trú, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, tỉ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,8%; tỉ lệ học sinh khá, giỏi trên 65%, phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi tiếp tục được quan tâm, kết quả học sinh giỏi trong tốp đầu của tỉnh; học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập đạt tỷ lệ 91,7%. Trong đó số lượng học sinh Tam Kỳ thi đỗ vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn chiếm tỷ lệ cao so với các địa phương và có bước tăng trưởng nhanh.  Từ năm 2020 Tam Kỳ đạt chuẩn phổ cập giáo dục các cập học ở mức cao nhất. Ông Trần Ngọc Sơn- Nguyên Trưởng Phòng Giáo dục -Đào tạo TP Tam Kỳ cho biết “Sau ngày quê hương giải phóng thì có thể nói giáo dục Tam Kỳ trải qua nhiều khó khăn, đời sống nhân dân trong đó có đời sống của thầy cô giáo, cơ sở vật chất trường lớp rất thiếu thốn. Nhưng cũng giai đoạn đó đánh dấu những cố gắng nỗ lực rất lớn của ngành nên có thể nói đó là giai đoạn vượt khó. Sau khi được sự đầu tư của nhà nước, sự đồng tình ủng hộ xã hội hóa của nhân dân thì giáo dục Tam Kỳ bước vào giai đoạn khả quan hơn-giai đoạn ổn định. Và nhờ giai đoạn ổn định này tạo bản lề để giáo dục Tam Kỳ vào giai đoạn phát triển và có những thành tựu to lớn cho đến hôm nay. Trải qua những giai đoạn đó thì bài học kinh kiệm lớn nhất mà tôi tâm đắc nhất là tập trung xây dựng đội ngũ thầy cô giáo vừa hồng vừa chuyên, đặc biệt là đội ngũ quản lý trường học. Họ là những con chim đầu đàn mạnh về chuyên môn, tâm huyết và đủ năng lực thì sẽ làm cho diện mạo các trường ngày càng tốt hơn, chất lượng hơn, góp phần làm cho giáo dục Tam Kỳ phát triển bền vững”
Thành tích của ngành giáo dục Tam Kỳ tiếp tục để lại dấu ấn trong 2 năm vừa qua trước tác động lớn bởi dịch Covid 19. Toàn ngành nhanh chóng chuyển sang trạng thái dạy và học chưa từng có trong lịch sử. Dạy và học onlie. Và kết thúc cả 2 năm học ứng phó với dịch bệnh, Tam Kỳ đều hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra. Và trên hết đó là thành công của tinh thần sáng tạo, linh hoạt của toàn ngành giáo dục thành phố trong mọi hoàn cảnh. Cũng trong bối cảnh của 2 năm qua, Tam Kỳ đã đẩy mạnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. img 20221120 075802
Trường TH Kim Đồng khang trang hiện nay
Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, ngành GD-ĐT Tam Kỳ chú trọng các hoạt động bổ trợ, hoạt động ngoài giờ lên lớp, rèn luyện kỹ năng. Tất cả các trường TH và THCS đều có câu lạc bộ tiếng Anh hoạt động thường xuyên, ngay cả giáo viên cũng có CLB tiếng Anh để đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ tốt hơn cho công tác dạy và học. Tại các trường mầm non, từ năm học 2021-2022 đã tổ chức cho trẻ được làm quen tiếng Anh, đây là hướng đổi mới mà Tam Kỳ đi đầu toàn tỉnh, đáp ứng xu thế phát triển hiện nay. Ngoài ra tại các trường còn thành lập các CLB ở một số môn văn hóa, năng khiếu. Các phong trào, chương trình, hội thi văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên trong mỗi trường và toàn ngành. Đây chính là điều kiện để học sinh được phát huy sở trường, năng khiếu, rèn luyện kỹ năng sống.  Một học sinh ở trường THCS Lý Tự Trọng đã chia sẻ “ Ở trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể thao, hội thi…hay mới đây nhất là trường tổ chức cho chúng em được gặp gỡ với anh hùng Phạm Tuân. Em rất thích các hoạt động này”
Có thể nói, ở Tam Kỳ, sự nghiệp giáo dục không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà đã nhận được sự chung tay trách nhiệm của các cấp ủy Đảng chính quyền, hội đoàn thể và toàn dân. Nếu như các cấp ủy Đảng chính quyền quan tâm đầu tư cho giáo dục bằng những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ để đầu tư toàn diện về cơ sở vật chất, quan tâm đội ngũ cán bộ giáo viên, thì các hội đoàn thể và toàn dân đã chăm lo cho giáo dục bằng rất nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực. Đó các hội đoàn thể vận động học sinh trong độ tuổi ra lớp, không để học sinh phải bỏ học giữa chừng, nhận đỡ đầu con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn, người dân đóng góp tích cực công tác xã hội hóa trang thiết bị, cảnh quan sư phạm. Đặc biệt quỹ khuyến học khuyến tài được phát động sau rộng ở từng khu dân cư, dòng họ, cơ quan, trường học. Trong đó TP Tam Kỳ đã duy trì Giải thưởng khuyến học mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan châu Trinh qua 21 lần trao thưởng, huy động sự đóng góp của hàng ngàn cá nhân, tổ chức và đã khen thưởng cho hơn 1000 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu. Công tác khuyến học khuyến tài của thành phố đã góp phần to lớn giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên, khích lệ tinh thần không ngừng vươn lên học tập của các thế hệ con em thành phố.
Đi qua gian khó, mạnh mẽ đổi mới để phát triển và khẳng định vị thế trung tâm giáo dục đào tạo của tỉnh Quảng Nam. Hiện nay cùng với hệ thống giáo dục Tam Kỳ bao gồm 24 trường mầm non, trong đó 13 trường công lập, 11 trường tư thục; 14 trường tiểu học , 10 trường THCS với tổng số gần 24 ngàn học sinh, trên địa bàn Tam Kỳ còn có 6 trường THPT, 1 trường đại học, 1 trường cao đẳng công lập cùng nhiều trường tư thục quy mô. Đối với giáo dục Tam Kỳ những nỗ lực, hy sinh và cống hiến của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của toàn ngành giáo dục Tam Kỳ đã đem về quả ngọt khi đào tạo hàng triệu thế hệ học sinh trưởng thành. Toàn ngành được ghi nhận với rất nhiều tập thể được nhận giấy khen, bằng khen của tỉnh, thành phố, Bộ giáo dục đào tạo, huân chương lao động các hạng nhất nhì, ba, cờ thi đua của Chính phủ. Mới đây, năm học 2021-2022, Phòng GD&ĐT thành phố vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Bề dày thành tích ấy là vinh dự, tự hào và cũng tiếp tục đặt trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục Tam Kỳ phấn đấu hơn nữa cho sự nghiệp trồng người trước giai đoạn mới. Ông Nguyễn Văn Lộc – Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo Tam Kỳ nói “ Thứ nhất, đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục –đào tạo Tam Kỳ tiếp tục gìn giữ phẩm chất đạo đức nghề giáo và thực hiện tốt phương châm mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho cho học sinh noi theo. Thứ hai, để thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy Tam Kỳ về phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2025 cần chú trọng yếu tố con người. Cụ thể là đào tạo nguồn nhân lực, đối với nhà giáo trước hết là phải có ý thức học hỏi nâng cao năng lực chuyên môn, có tinh thần cầu tiến, tự học, tự trang bị cho mình những kiến thức kỹ năng mới, vận dụng các trang thiết bị dạy học hiện đại vào các hoạt động dạy học một cách hiệu quả. Xây dựng môi trường giáo dục tại các trường học tốt nhất để nhằm phát triển cho các em một cách toàn diện nhất không những về kiến thức mà còn các kỹ năng sống”.
Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam nhưng với giáo dục Tam Kỳ truyền thống của ngành đã được bồi đắp từ lâu hơn thế. Và trong suốt chặng đường ấy Đảng bộ, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân thành phố đã đồng hành chặt chẽ với đội ngũ cán bộ, giáo viên nhân dân ngành giáo dục. Trong giai đoạn mới, Thành ủy Tam Kỳ đã đề ra Nghị quyết 09 về phát triển thành phố giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu tập trung nguồn lực phát triển giáo dục thành phố theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện và chuẩn hóa trên các lĩnh vực: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, cảnh quan, môi trường, đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên, chất lượng giáo dục toàn diện, phổ cập giáo dục các cấp, huy động xã hội hóa giáo dục...góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực , bồi dưỡng và thu hút nhân tài; gắn phát triển giáo dục với phát triển kinh tế xã hội thành phố. Xây dựng ngành giáo dục Tam Kỳ xứng đáng là trung tâm giáo dục -đào tạo của tỉnh và khu vực, góp phần xây dựng thành phố Tam Kỳ đạt các tiêu chí của đô thị loại 1. Để thực hiện mục tiêu này thành phố sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và đặt kỳ vọng đổi mới phát triển toàn diện giáo dục Tam Kỳ.

Tác giả bài viết: THANH XUÂN-QUANG SƠN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây