cds2023


 
 

Thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển biến tại chợ

Thứ năm - 05/10/2023 22:19
Thanh toán điện tử không chỉ phổ biến tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng… mà nay đã trở nên thông dụng ở mô hình buôn bán nhỏ lẻ như hàng quán vỉa hè, chợ dân sinh. Đặc biệt tại các chợ ở thành phố Tam Kỳ, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang trở nên phổ biến.
Khách hàng quét mã QR để thanh toán tại chợ thương mại
Khách hàng quét mã QR để thanh toán tại chợ thương mại

Tại khu vực hàng cá, hải sản chợ Thương mại (phường An Mỹ) có gần 70% tiểu thương sử dụng hình thức thanh toán bằng điện tử khi người dân đến mua thực phẩm. Đa số các tiểu thương tại đây đều có điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm thanh toán điện tử để thực hiện giao dịch mua bán. Và tại đây, các tiểu thương còn đặt bảng mã QR tại vị trí khách hàng dễ nhìn thấy nhất để thực hiện quét mã QR thanh toán. Chị Nguyễn Thị Tịnh là tiểu thương tại đây cho biết “Hàng ngày người mua vẫn thường thanh toán qua tài khoản, vài chục ngàn cũng chuyển khoản, nhất là người trẻ tuổi và đối tượng là cán bộ. Tôi thấy việc thanh toán này rất tiện lợi. Ví dụ người mua chuyển tiền cho tôi, tôi chuyển tiền cho chủ hàng, chỉ cần ở nhà bấm chuyển tiền qua điện thoại thôi, không cần phải đi lại”.

Tại chợ Tam Kỳ (phường Phước Hòa), khảo sát một số cửa hàng kinh doanh thời trang như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm…cho thấy, việc thanh toán không dùng tiền mặt được áp dụng khá phổ biến. Thay vì sử dụng tiền mặt để thanh toán như trước, giờ đây tiểu thương và người dân có thể mua bán bằng việc quét mã QR hoặc chuyển tiền qua Open Banking một cách nhanh chóng, an toàn và bảo mật. Chị Nguyễn Thị Huyền Trang-chủ sạp quần áo cho biết “Hàng ngày nếu có 10 khách hàng thì đã có 6 người thanh toán qua mạng. Tôi rất thích hình thức thanh toán này, vì không phải kiểm đếm tiền mặt hàng ngày bởi đã có sẵn trên máy, cũng không lo sợ mất cắp”.

Trước đây, dùng tiền mặt mua bán tại chợ là một phương thức thanh toán truyền thống. Tuy nhiên, thanh toán theo phương thức này bộc lộ rõ hạn chế đó là tiền rách, tiền lẻ, dễ rớt hoặc bị mất cắp, khó quản lý tài chính,… Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát việc lưu thông tiền mặt còn dẫn đến nguy cơ lây lan virus, ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, từ hơn 2 năm nay các ngành chức năng thành phố và Ban quản lý các chợ đã phối hợp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tiểu thương và người dân ứng dụng thanh toán điện tử trong kinh doanh, mua bán hàng hóa. Và đến nay tiểu thương và người mua hàng tại các chợ truyền thống cũng đã thay đổi thói quen từ sử dụng tiền mặt sang các phương thức thanh toán điện tử. Ngay cả những người không dùng diện thoại thông minh cũng tìm cách phục vụ khách hàng có nhu cầu thanh toán điện tử. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Lê, tiểu thương tại chợ thương mại cho biết “Vì tôi dùng điện thoại “cục gạch” nên không cài đặt thanh toán qua mạng được, nhưng khi khách yêu cầu chuyển khoản thì tôi nhờ ngay bạn buôn ngồi cạnh hỗ trợ thanh toán. Chừ ai cũng muốn chuyển khoản nên phải tìm cách đáp ứng thôi”.
khach hang chuyen khoan cho tieu thuong tai cho ca trung tam thuong mai

Khánh hàng chuyển khoản cho tiểu thương hàng cá, chợ thương mại

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vì là chợ truyền thống với rất nhiều thành phần đến giao dịch và nhiều hoạt động mua bán nhỏ lẻ nên vẫn còn không ít những người dân buôn bán tại chợ vẫn sử dụng hình thức giao dịch bằng tiền mặt. Anh Trần Cao Hải thường xuyên ra chợ Tam Kỳ phụ giúp mẹ buôn bán trái cây cũng đã cài đặt thanh toán điện tử nhưng rất ít khi thực hiện vì một số lý do. “ Ở đây người dân mua vài chục nghìn mà lại là dân ở các vùng quê hoặc người dân không dùng điện thoại thông minh nên họ thường dùng tiền mặt. Mặc dù tôi cũng đã cài đặt và giới thiệu để khách hàng tiện thì thanh toán qua tài khoản, nhưng thường mỗi ngày chỉ có hai đến ba trường hợp thanh toán bằng chuyển khoản thôi”.

Dù chưa chuyển đổi hoàn toàn từ hình thức thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử bởi một số người còn dùng điện thoại không kết nối internet, một số giao dịch nhỏ lẻ…nhưng có thể thấy tại các chợ ở Tam Kỳ đã có chuyển biến rất tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin để thanh toán, trước hết là tiểu thương đã thay đổi thói quen thanh toán giao dịch mua bán, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đồng thời việc thanh toán không dùng tiền mặt đã giúp tiểu thương quản lý dòng tiền, số hóa sổ sách bán hàng hiệu quả, chính xác hơn. Với hơn 60% hoạt động mua bán được thực hiện thanh toán bằng điện tử đã cho thấy bước chuyển mới về ứng dụng công nghệ số tại các chợ truyền thống. Qua đó góp phần vào tạo sự chuyển biến tích cực trong công cuộc chuyển đổi số trên toàn thành phố Tam Kỳ.

Tác giả bài viết: THANH XUÂN – CHÂU THẢO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây