Trong thời qua, trên địa bàn thành phố Tam Kỳ, tình trạng người lang thang, xin ăn còn diễn ra khá phổ biến, hoạt động dưới nhiều hình thức, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự, an toàn xã hội. Người lang thang, xin ăn thuộc nhiều lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau, phần lớn trong số họ có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, đối tượng yếu thế; một số đối tượng xin ăn có chăn dắt, tổ chức, biến tướng,.., hoạt động tại các khu vực tập trung đông người như chợ, ngã ba, ngã tư, quốc lộ. Thành phố đã tập trung giải quyết và đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, vận động đối tượng hồi gia trở về địa phương, góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị và trật tự xã hội trên địa bàn thành phố Tam Kỳ. Tuy nhiên, công tác giải quyết người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế. Đó là việc ra quân tập trung đối tượng chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục mà chỉ thực hiện theo đợt cao điểm các ngày lễ, tết,... Công tác phối hợp trong việc quản lý đối tượng lang thang, xin ăn ở các địa phương ngoài địa bàn thành phố chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó chưa có quy định của pháp luật về biện pháp xử lý cụ thể, đặc thù đối với những đối tượng lang thang, xin ăn; việc giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn hiện nay chủ yếu thực hiện thông qua công tác tuyên truyền, vận động đưa đối tượng hồi gia nên chưa có tính răn đe. Phát biểu tại chương trình phát động, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hồng Lai đề nghị các ngành, địa phương tập trung tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng phường nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội và người dân trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo trợ xã hội; khuyến kích các tổ chức nhân đạo, từ thiện hỗ trợ tại cộng đồng cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các địa phương, đơn vị phải có kế hoạch thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện; công tác giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn phải được thực hiện thường xuyên, tập trung vào các thời điểm ngoài giờ hành chính, thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ; giải quyết phải quyết liệt theo quy trình, hướng dẫn, tránh trường hợp đẩy đuổi đối tượng sang địa bàn khác. Các cơ sở kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí, các địa điểm du lịch, khu vực chợ, chùa, các cơ sở thờ tự, hộ tiểu thương ... cam kết không để đối tượng lang thang, xin ăn tại khu vực quản lý; đồng thời tham gia cùng chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động người lang thang, xin ăn để họ tự nguyện trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng. Ngay sau lễ ra quân, đoàn xe tuyên truyền lưu động đã diễu hành qua các tuyến đường lớn nhằm nâng cao nhận thức và hành động của người dân, cùng chung tay giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn.