Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến, góp ý tập trung chú trọng vào các nội dung liên quan đến tên gọi nhà thờ tộc Lê Văn phải gắn với các nhà hoạt động cách mạng, góp phần giúp hồ sơ có tính thuyết phục hơn. Tộc Lê Văn tập trung cải tạo cảnh quan quanh khu vực nhà thờ, kiểm tra hồ sơ gia phả để thống nhất được năm sinh, năm mất của nhân vật được đề cập trong lý lịch gia tộc và cung cấp hồ sơ cho cấp có thẩm quyền lưu trữ. Đồng thời đề nghị các cấp chính quyền tập trung khoanh vùng di tích lịch sử đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để hồ sơ mang tính xác thực.
Qua hội thảo, lãnh đạo UBND xã Tam Thanh đã tiếp thu và cảm ơn những đề xuất của các đại biểu tham gia. Đồng thời các bên tham dự đã cùng thống nhất ý kiến và ký tên vào văn bản, sớm hoàn chỉnh hồ sơ để làm việc với cơ quan có thẩm quyền và ban hành văn bản hoàn thiện, tham mưu UBND tỉnh.
Được biết, nhà thờ tộc Lê Văn xã Tam Thanh được xây dựng khoảng nửa đầu thế kỷ 19 nằm trong khuôn viên có diện tích khoảng 1000 mét vuông, kết cấu theo kiểu truyền thống gồm năm gian, diện tích nhà thờ khoảng 60m2 . Đây là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử về quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng làng xã, các bậc tiền nhân. Trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Nhà thờ tộc Lê Văn xã Tam Thanh còn là cơ sở cách mạng, nơi chở che, nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng của xứ ủy Trung Kỳ, của tỉnh Quảng Nam và Phủ ủy Tam Kỳ, giai đoạn trước năm 1945. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhà thờ nhiều lần bị tàn phá, hư hại. Tuy nhiên, tại nhà thờ hiện vẫn còn lưu giữ nhiều tài liệu, sắc phong, bài vị, hoành phi cổ có giá trị, đặc biệt các tài liệu liên quan đến nhân vật Lê Văn Ước và những đóng góp đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nhà thờ tộc Lê Văn xã Tam Thanh còn là nơi thờ cúng tổ tiên và nơi để con cháu dòng họ tụ họp, thực hiện các nghi lễ cúng tế mỗi dịp lễ tết, giáo dục nhắc nhở con cháu đời sau nhớ về cội nguồn.