Múa lân - sư - rồng là môn nghệ thuật dân gian truyền thống đã có từ lâu tại TP. Tam Kỳ và được biểu diễn nhiều nhất vào dịp Tết Trung thu. Theo quan niệm của người xưa, lân - sư- rồng là 3 linh vật tượng trưng cho thịnh vượng, phát tài, hạnh phúc và hanh thông. Vì vậy, mỗi năm mùa Trung thu đến, khắp đường làng ngõ xóm và các tuyến phố lớn của TP. Tam Kỳ dễ dàng bắt gặp các xóm, các đội múa lân - sư - rồng từ nhỏ đến lớn biểu diễn, mang đến không khí rộn ràng, tươi vui. Bên cạnh những con lân được sản xuất giống nhau theo mẫu lân Trung Quốc với màu sắc sặc sỡ thì những chú lân truyền thống, mang hình ảnh riêng có của con lân Tam Kỳ xưa vẫn còn được lưu giữ đến nay.
Đến xóm nhỏ Hồng Lư (thuộc KP Hồng Lư, phường Hòa Hương, TP. Tam Kỳ) từ những ngày trước Tết Trung thu hơn một tháng rưỡi đã nghe tiếng trống rộn rã và sự háo hức của thanh niên trong xóm. Không biết xóm lân Hồng Lư hình thành từ bao giờ nhưng với một số bạn trẻ của xóm thì họ đã tham gia duy trì loại hình nghệ thuật dân gian này được gần 10 năm. Theo bạn Hoàng Nguyễn Bảo Châu - Người quản lý cũng là thành viên quan trọng nhất của xóm lân, chính vì niềm đam mê chơi lân từ nhỏ và yêu thích những con lân truyền thống mà Bảo Châu cùng một số anh em thân thương đã gầy dựng nên đội lân với thành viên hầu hết là thanh thiếu niên tuổi từ 13 - 25. “Ban đầu, đội lân chỉ chơi ở quy mô nhỏ khoảng 40 thành viên, chủ yếu mua lân về trang trí lại rồi múa. Sau này mở rộng ra múa thêm rồng, phượng, thành viên lên đến gần 100 người. Lân bán ở ngoài thì hiền không có cái nét truyền thống của Tam Kỳ, riêng lân quỷ có nét hung dữ, rất riêng nên em quyết định học làm lân từ xóm Tứ Bàn và có xem tài liệu về làm lân từ xưa đến nay, đồng thời tham khảo các đội lân trên địa bàn thành phố”, Bảo Châu nói thêm.
Sau khi học kỹ thuật làm lân về, Bảo Châu đã cùng với các thành viên trong đội nghiên cứu để làm ra con lân mang nét đặc trưng riêng, mạnh mẽ của lân truyền thống Tam Kỳ. Thông thường, để hoàn thiện một chiếc đầu lân phải mất từ 4-5 ngày với nhiều công đoạn như: hình thành khuôn đầu lân, dán giấy và sơn vẽ hoa văn, dán họa tiết trang trí cho đầu lân thêm rực rỡ, khảm lông, trang trí các chi tiết như: mắt lân, mày mi, đường viền và cuối cùng là trang trí lông vũ… Khâu mất nhiều thời gian nhất là khâu dán giấy để tạo hình sản phẩm. Công đoạn quan trọng không kém trong làm đầu lân là sơn, vẽ để thổi “hồn” cho sản phẩm. Phải chú ý đến cách phối màu, tạo đường nét nhằm làm nổi bật thần thái của đầu lân. Thần thái của con lân được quyết định một phần ngay từ khâu làm khuôn. Kết hợp với cách phối màu và nét vẽ sắc sảo, chỉn chu sẽ càng làm tôn lên vẻ dũng mãnh và uy vũ con lân Tam Kỳ.
Màn biểu diễn lân trên mai hoa thung
Đứng trước sự phát triển của cuộc sống ngày càng hiện đại, một số xóm lân truyền thống của Tam Kỳ như Tứ Bàn đã dần mai mọt khi nghệ nhân làm lân đã không còn. Trong khi đó, những bạn trẻ như Bảo Châu và các thanh niên trong xóm Hồng Lư bằng niềm đam mê với con lân truyền thống, đang cố gắng gìn giữ nét văn hóa truyền thống lâu đời của mảnh đất Hà Đông xưa, Tam Kỳ nay. Không dừng lại ở việc làm được những con lân sắc sảo, Bảo Châu cùng các thành viên còn chế tác cả lân rồng, chim phượng. Bạn Hoàng Nguyễn Bảo Châu nói thêm “Chơi lân truyền thống là một nét văn hóa rất là tuyệt vời, bổ ích cho thanh niên và các bạn trẻ của Tam Kỳ, do đó tụi em vẫn đang cố gắng gìn giữ và phát huy nét truyền thống của Tam Kỳ”.
Điều trân quý ở những bạn trẻ đội lân xóm Hồng Lư đó là không chỉ làm lân để chơi trong mùa Trung Thu, cùng nhau lưu giữ văn hóa truyền thống của quê hương mà các bạn còn mong muốn hình ảnh con lân Tam Kỳ được hiện diện nhiều hơn trong dịp Tết đoàn viên. Hai năm trở lại đây, đội lân đã nhận đơn đặt hàng của các đội chơi trên địa bàn TP. Tam Kỳ và huyện Phú Ninh cùng một số cửa hàng bán đồ chơi Trung thu. Đội chủ yếu làm 2 cỡ kích cỡ là lân trung và lân đại, giá bán từ 5-10 triệu đồng/cặp.
Những xóm lân như xóm Hồng Lư đang ngày càng ít đi tại TP. Tam Kỳ, thay vào đó là những đội múa lân hiện đại, được đầu tư với quy mô lớn, số lượng thành viên tham gia từ 80-100 thành viên. Bài biểu diễn múa lân được tập luyện kỹ càng, công phu, trình diễn trên mai hoa thung với những động tác hết sức điêu luyện, mang đến cho người xem những màn múa đầy mãn nhãn. Đã 7 năm rồi, đội lân xóm Bún, phường Hòa Thuận mới trở lại hoạt động và biểu diễn trong mùa Trung thu năm 2023. Dù không tự làm lân để biểu diễn như xóm lân Hồng Lư nhưng bằng đam mê, sự chỉn chu trong việc luyện tập mà người dân Tam Kỳ đã được thưởng thức màn biểu diễn đặc sắc, để lại ấn tượng khó quên về múa lân – sư - rồng trong Tết Trung thu. Thi Văn Vương - Đội lân xóm Bún, phường Hòa Thuận nói “Tụi em mong muốn giữ lại nét truyền thống của ông cha ta để lại, đồng thời góp phần cùng với các đoàn lân khác cùng chơi, cứ nối truyền nối truyền nhau chơi lân lâu dài như vậy”.
Cuộc sống ngày càng phát triển, dịp Tết Trung thu đã có thêm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu của người dân nhưng múa lân – sư - rồng vẫn giữ trong mình sự cuốn hút rất riêng, thu hút được sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bộ môn nghệ thuật dân gian đường phố này không những mang lại niềm vui và sự hân hoan cho người xem mà còn là món quà ý nghĩa mỗi dịp Trung thu về. Được ăn bánh trung thu, chơi lồng đèn, được phá cổ, xem hoạt cảnh chị Hằng chú Cuội, được ba mẹ chở ra đường hòa cùng dòng người đông đúc xem biểu diễn múa lân, lắng nghe tiếng trống các tùng dinh dinh… tất cả đã trở thành những ký ức không thể nào quên đối với các em nhỏ khi rằm tháng Tám đến. Và qua mỗi năm, khi con trăng tháng Tám âm lịch tròn vành vạnh thì sự háo hức, trông đợi mùa Trung Thu vẫn mãi nguyên vẹn như thở ban đầu. Em Doãn Hạnh Phúc – ở thôn Đồng Phú, xã Tam Ngọc, TP. Tam Kỳ được mẹ chở đi múa lân, háo hức nói “Hôm nay mẹ chở con đi xem múa lân, mấy chú biểu diễn rất đẹp, con thích lắm”.
Một góc phố Tam Kỳ náo nhiều xem múa lân
Với chị Trương Thị Trang - người dân phường phường An Mỹ, TP. Tam Kỳ thì mùa Trung thu năm nay thật nhộn nhịp, đông đúc và không khí rộn ràng tràn ngập khắp nơi.“Các đội biểu diễn rất hay với đầu lân đủ màu đủ sắc, đặc biệt việc biểu diễn được đầu tư với màn múa trên mai hoa thung, múa rồng, phượng… làm chúng tôi rất thích thú”.
Múa lân đã trở thành hoạt động văn hóa tinh thần không thể thiếu trong mỗi mùa Trung thu tại thành phố Tam Kỳ. Bằng niềm đam mê mà nhiều đội lân, xóm lân đã hình thành từ thôn, khối phố cho đến các trường học. Từ đây, đông đảo thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố có sân chơi đầy ý nghĩa, lành mạnh và tích cực góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống đã có từ lâu ở mảnh đất Tam Kỳ thân thương.
Tác giả bài viết: BÍCH LIÊN – MINH TẤN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn