z4727695573719 fddafea7a47f7c99687f505254276d34


 
 

3 nhóm giải pháp hữu hiệu thoát nước nội đô Tam Kỳ

Chủ nhật - 16/07/2023 16:30
Sáng ngày 14.7, UBND thành phố Tam Kỳ phối hợp Trung tâm nghiên cứu tài nguyên nước - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức Hội thảo kết quả Đề án thoát nước nội đô thành phố Tam Kỳ. Đồng chí Trần Nam Hưng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ, Chủ tịch HĐND thành phố Tam Kỳ, đồng chí Trần Trung Hậu – Phó Chủ tịch UBND thành phố và Phó GS.TS Nguyễn Chí Công - Trưởng Khoa xây dựng công trình thủy, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đồng chủ trì hội thảo. Hội thảo còn có sự tham dự của các Sở, ngành tỉnh, lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ và đại diện lãnh đạo quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.
Phó GS.TS Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học Miền Trung và Tây Nguyên phát biểu tại hội thảo
Phó GS.TS Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học Miền Trung và Tây Nguyên phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Trung Hậu nhấn mạnh “Đô thị Tam Kỳ trong những năm gần đây cũng đối mặt những trận ngập lụt lớn, chưa từng có trong lịch sử. Từ năm 2018 đến nay tình trạng ngập của đô thị Tam Kỳ ngày càng tăng lên cả về tần suất, mức ngập cũng như diện tích ngập. Điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi chính quyền phải vào cuộc giải quyết. Do đó, việc tổ chức nghiên cứu tổng thể, tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất được các giải pháp kỹ thuật khả thi nhằm hạn chế tác động của lũ lụt nhằm ổn định đời sống của người dân, phục vụ phát triển KT-XH của thành phố là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay và sau này. Tiếp nối thành công Hội thảo “Đánh giá hiện trạng và xác định nguyên nhân ngập lụt thành phố Tam Kỳ và vùng phụ cận” do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào tháng 11/2021 và Tọa đàm vào tháng 11/2022, UBND thành phố Tam Kỳ đã cùng với Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên nước - Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng thoát nước để hoàn thiện Đề án thoát nước nội đô thành phố Tam Kỳ.
Đề án thoát nước nội đô thành phố Tam Kỳ bao gồm các hạng mục: gói thầu “Điều tra, khảo sát địa hình, thủy văn và lập Đề án thoát nước Tam Kỳ”; Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chống ngập cho mạng lưới thoát nước khu vực nội đô Tam Kỳ và xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu mạng lưới thoát nước nội đô thành phố. Đến thời điểm hiện tại các hạng mục đã hoàn thiện, trong đó phần việc điều tra, khảo sát địa hình, thủy văn đã nghiệm thu.
Thành phố Tam Kỳ có tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, trong khi đó tại khu vực nội đô cao độ nền thấp, nước mưa thoát chủ yếu theo hướng từ Tây sang Đông; mạng lưới thoát nước nội đô chịu tác động bất lợi từ mực nước sông Tam Kỳ – Bàn Thạch dâng cao gây ngập diện rộng và nguồn nước từ phía Tây đường Nguyễn Hoàng đổ về gây ngập cục bộ, từ đây thành phố xuất hiện 3 điểm ngập thường xuyên và 30 điểm ngập cục bộ. Đơn vị tư vấn qua khảo sát địa hình của 327 hố ga của gần 33,8 km tuyến cống chính và 6,41 km kênh hở, 5 hồ điều hòa và 6 cửa xả để thu thập thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu mạng lưới khá hoàn chỉnh cho khu vực nội đô Tam Kỳ, từ đó hoàn thiện Đề án. Đề án cũng đã phân tích và đánh giá những hạn chế và nguyên nhân gây ngập cục bộ nội đô Tam Kỳ. Cụ thể mạng lưới thoát nước mưa khu vực nội đô Tam Kỳ được đầu tư xây dựng từ những năm 1993 đến nay, qua nhiều lần đầu tư nên nội tại bộc lộ những hạn chế như: hướng thoát và đấu nối chưa hợp lý; kích thước cống bé không còn phù hợp với những trận mưa lớn và tác động đô thị hóa làm suy giảm khả năng trử nước và làm chậm thời gian tập trung dòng chảy; khẩu độ cống và kênh bị thu hẹp bề phái hạ lưu, xuất hiện các điểm thắt nút cổ chai; trong một số đoạn cống xuất hiện cao độ đáy cống hạ lưu cao hơn cao độ đáy cống thượng lưu; các cửa xả xuống cấp và khó vận hành.
Đơn vị tư vấn đã mô phỏng 4 kịch bản căn cứ theo trận mưa lớn đã xảy ra thời gian qua để đánh giá tình trạng ngập khu vực nội đô thành phố; đồng thời đề xuất 3 nhóm giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng. Trong đó nhóm giải pháp cấp bách là cần cắt được lượng nước phía Tây đổ vào nội đô bằng giải pháp cống ngầm Trưng Nữ Vương và kênh thoát lũ từ cống ông Dung ra sông Ba Kỳ. Nhóm giải pháp trung hạn là cần xây dựng và lắp đặt hệ thống cửa van của các cửa xả, cống ngăn triều vận hành bằng điện tích hợp điều kiển IoT hoặc tự lật; các hồ điều hòa Duy Tân, Nguyễn Du và Ngã Ba chuyển sang công năng điều tiết, hạ mức nước nước trong hồ thấp nhất có thể khi có mưa lớn trên nội đô; khu vực nội đô có đê bảo vệ cần bố trí trạm bơm chống ngập. Nhóm giải pháp thường xuyên là khởi thông dòng chảy, vớt bèo tây tại các cửa xả các hồ điều hòa và trên sông Bàn Thạch; bảo vệ hành lang tuyến kênh hở, chuyển sang hình thức cống ngầm cho những đoạn kênh đi ngang qua KDC đông đúc; nạo vét khơi thông và thay thế miệng hố ga định kỳ hằng năm… Một số kiến nghị để giảm ngập úng cho khu vực nội đô cũng đã được đơn vị tư vấn nêu ra, theo đó thành phố Tam Kỳ cần quan tâm bảo vệ tuyến hành lang thoát lũ sông Tam Kỳ - Bàn Thạch; phân lũ tổng hợp theo các tuyến cống chính; phân khu 6 quy hoạch san nền không nên vượt qua cao trình +2,9m, xây dựng hạ tầng xanh cho phân khu 6; cắt lũ từ phía Tây và chống ngập lụt nội thị.
Có thể nhìn nhận, đơn vị tư vấn Trung tâm nghiên cứu tài nguyên nước - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã có sự đầu tư và chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho Đề án. Kết cấu báo cáo phục vụ Đề án được xây dựng chặt chẽ, đánh giá rõ thực trạng và nêu lên được giải pháp để giảm thiểu tình trạng ngập úng khu vực nội đô thành phố. Tham gia ý kiến tại hội thảo, Phó GS.TS Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học Miền Trung và Tây Nguyên cho rằng “Vấn đề tôi quan tâm ở Đề án này đó là chúng ta cần tận dụng các ao, hồ, đầm sẵn có thể điều tiết, giảm mức ngập lụt; chúng ta cần có các vùng đệm để giảm lũ và trồng thêm nhiều cây xanh”
Từ kinh nghiệm tại thành phố Đà Nẵng trong quá trình nghiên cứu cho đến xây dựng hệ thống thoát nước đô thị, ông Nguyễn Hải Đường - Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ - thành phố Đà Nẵng chia sẻ “Trong kết quả đề xuất của đơn vị tư vấn cần nói rõ cao độ nền thiết kế của khu đô thị mới như thế nào, là bao nhiêu? Đối với khu đô thị cũ không thể nâng nền thì giải pháp thoát nước là gì, không thể nói chung chung. Nên nhớ rằng cao trình đỉnh và cao trình đáy cửa xả vô cùng quan trọng đối với thoát nước, nếu nó chảy mạnh nó giảm 50% lượng nước ngập qua cửa xả, cho nên ở Đà Nẵng làm khác, cao trình đáy và đỉnh được khống chế để giảm tối đa ảnh hưởng của lũ trên sông, đây là kinh nghiệm xương máu”.
img 20230714 224138
 Bí thư Thành ủy Tam Kỳ  - ông Trần Nam Hưng phát biểu kết luận hội thảo
 
Việc đánh giá hiện trạng để tìm ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp chống ngập lụt cho đô thị Tam Kỳ là bước đi phù hợp, cẩn trọng, việc xây dựng Đề án là sự quyết tâm của chính quyền thành phố Tam Kỳ trong việc giải quyết từng bước và hướng đến giảm thiểu thấp nhất tình trạng ngập lụt khu vực nội đô. Kết luận tại hội thảo, đồng chí Trần Nam Hưng - Ủy viên BTV Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nói “Sản phẩm cuối cùng là cái mà tôi quan tâm nhất để rồi hiệu quả quản lý nhà nước về ngập lụt, quản lý thoát nước thành phố được nâng lên rõ rệt. Tất cả các cơ sở dữ liệu phải được được chuẩn hóa cao. Trên cơ sở đó thì các đầu ra là phần mềm vận dụng trong quản lý, điều hành đảm bảo hiệu quả cao nhất. Sau khi các đồng chí có tổ nghiệm thu, trình phê duyêt Đề án thì sẽ được đưa vào quy hoạch chung thành phố và điều chỉnh cập nhật vào quy hoạch phân khu”.
 Đơn vị tư vấn đã tiếp thu các ý kiến góp ý và sẽ hoàn thiện thêm nội dung Đề án thoát nước nội đô thành phố Tam Kỳ nhằm cung cấp các luận cứ khoa học xác đáng, định hướng những giải pháp hữu hiệu hướng đến xây dựng thành phố Tam Kỳ phát triển bền vững, thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Tác giả bài viết: BÍCH LIÊN – MINH TẤN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây