Ngày 08/10/2022, TP. Tam Kỳ khai trương Trung tâm điều hành thông minh IOC. Trung tâm là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu nhằm phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp về tình hình hoạt động của thành phố trên các lĩnh vực để phục vụ cho sự lãnh, chỉ đạo, điều hành của chính quyền thành phố. Trung tâm còn giúp tăng cường tính tương tác, kết nối giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, giúp chính quyền thấu hiểu người dân, doanh nghiệp hơn để phục vụ tốt hơn.
Theo ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ “Việc khai trương, đưa vào hoạt động Trung tâm IOC thể hiện cam kết, quyết tâm cao nhất của lãnh đạo thành phố trong triển khai chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh. Đối với công tác chuyển đổi số, đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, là động lực để thúc đẩy phát triển mọi mặt về chính quyền, kinh tế và xã hội”.
Về chính quyền số, đến nay, Tam Kỳ đang tập trung sử dụng dữ liệu số để đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay thế thành phần hồ sơ giấy khi thực hiện thủ tục hành chính. Tính đến ngày 02/10/202, thành phố đã cấp 61.990 tài khoản định danh điện tử, chiếm 70,1% so với chỉ tiêu tỉnh giao; hầu hết cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip.
Thành phố đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền CBCCVC, người dân, doanh nghiệp cài đặt và khai thác tiện ích từ các ứng dụng Smart Quang Nam, Smart Tam Kỳ, Egov Quang Nam, Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia, nắm bắt và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục duy trì mô hình “Công dân không viết” vào thứ 5 hằng tuần; thực hiện 4 ngày trong tuần tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. 9 tháng đầu năm, thành phố đã tiếp nhận 10.929 hồ sơ trực tuyến đạt tỷ lệ 76% so với tổng số hồ sơ đã tiếp nhận. Đặc biệt liên tiếp 3 tháng (7,8,9/2023) Tam Kỳ dẫn đầu toàn tỉnh tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến, đạt từ 90% đến trên 97%. Dịch vụ hồ sơ trực tuyến đã đem lại sự tiện ích rất lớn cho người dân. Chị Lê Thị Ngọc Quyên (phường An Phú) đến Trung tâm hành chính công thành phố thực hiện dịch vụ công trực tuyến với hồ sơ liên quan đến giấy phép xây dựng nhà. Chị Quyên cho biết “Cán bộ của Trung tâm hướng dẫn rất tận tình. Tôi truy cập vào Cổng dịch vụ công của tỉnh và thực hiện các thao tác. Tôi thấy rằng chúng ta đã ứng dụng công nghệ thông tin quen thì việc này chúng ta có thể làm ở bất cứ nơi nào, bất cứ thời điểm nào, rất tiện ích cho công dân”.

Hội viên Hội LHPN thành phố tạo tài khoản để thanh toán không dùng tiền mặt
Trong phát triển kinh tế số ghi nhận thành phố Tam Kỳ đẩy mạnh thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt với 12.500 tài khoản smartbanking; 8.630 mã QR thanh toán điện tử và 12.200 ví điện tử của các doanh nghiệp viễn thông đã được cài đặt. Hiện nay, thanh toán điện tử không chỉ phổ biến ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng mà ở các hàng quán vỉa hè, các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố đều sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Theo Chị Lê Thị Yến - Chủ hệ thống cửa hàng Cà phê – Kem Mixue TP. Tam Kỳ “Khi tôi áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt thì bản thân tôi thấy rất thoải mái, không phải lo dòng tiền để trả lại cho khách hàng. Khi nhân viên bàn giao ca cho người sau thì chỉ cần chuyển con số đã được thanh toán mà không phải đếm tiền hằng ngày”.
Để phục vụ cho công tác chuyển đổi số, toàn thành phố Tam Kỳ cũng đã thành lập 85 tổ CNSCĐ/85 thôn, khối phố của 13 xã/phường, với hơn 400 thành viên. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, về an toàn thông tin trên môi trường mạng, trang bị máy vi tính kết nối internet cho 100% Tổ công nghệ số cộng đồng; wifi phủ sóng ở 100% thôn, khối phố. Đội ngũ này ở cơ sở là nòng cốt cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia chuyển đổi số, góp phần hình thành nên xã hội số. Theo bà Bà Nghiêm Thị Hợp – Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng (KP 4, phường An Xuân, TP. Tam Kỳ) “Trước kia chúng tôi chủ yếu viết báo cáo, kế hoạch bằng tay. Nay được trang bị máy tính, được tập huấn nên khi đánh văn bản, lưu trữ trong máy tính nên rất tiện lợi”.
Rõ ràng với những dấu ấn bước đầu trong thực hiện công cuộc chuyển đổi số, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang dần hình thành thói quen kỹ năng số, hướng đến công dân số thông qua việc sử dụng thường xuyên những tiện ích của chuyển đổi số để phục vụ cuộc sống.
Theo ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, chuyển đổi số là hành trình lâu dài, liên tục, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm hướng đến phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Thời gian qua, thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều văn bản về chuyển đổi số, tổ chức chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10. “Trong thời gian đến, thành phố vẫn xác định nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu đó là xây dựng cho được hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ trên các lĩnh vực: đất đai, tài nguyên - môi trường, VneID, y tế, du lịch... Xây dựng các dữ liệu đó thì người dân được khai thác nền tảng số của Chính phủ, địa phương và người dân có thể thực hiện tất cả dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên nền tảng số mà không phải đến cơ quan Nhà nước. Thành phố tiếp tục đầu tư hoàn thiện các phần mềm quản lý để người dân phản ánh trực tiếp đến chính quyền, từ đó giải quyết vấn đề người dân đang cần. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân thì công cuộc chuyển đổi số của TP. Tam Kỳ gắn với xây dựng đô thị thông minh và cải cách hành chính trở thành hiện thực trong thời gian sắp đến”.
Chuyển đổi số đang dần tác động rất lớn trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Nó giúp người dân có thể trải nghiệm mọi dịch vụ từ công đến tư một cách thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả, đem lại sự tiện ích và nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì thế, thành phố Tam Kỳ đang nỗ lực nâng cao nhận thức về cải cách hành chính và chuyển đổi số cho người dân để người dân được hưởng lợi nhiều nhất từ cải cách hành chính và chuyển đổi số.