cds2023


 
 

Tăng cường tuyên truyền hạn chế tình trạng người lao động nhận BHXH một lần

Thứ ba - 03/10/2023 14:39
.
Người lao động không nên rút BHXH 1 lần
Người lao động không nên rút BHXH 1 lần
Theo Báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Nam, trong những năm gần đây, số người lao động nghỉ việc đề nghị hưởng BHXH một lần có xu hướng tăng. Riêng 07 tháng đầu năm 2023, BHXH tỉnh đã giải quyết 11.382 trường hợp BHXH 01 lần, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (tăng 2.745 người, tỷ lệ 31,8% so với 07 tháng đầu năm 2022). Đa số người hưởng BHXH một lần là người lao động ngừng đóng BHXH sau một năm nghỉ việc. Người lao động nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ rời khỏi hệ thống an sinh xã hội, giảm hoặc mất cơ hội được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Đây là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 30/5/2023 của Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội tại Chương trình số 17-CTr/TU ngày 25/10/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, UBND tỉnh yêu cầu cơ quan BHXH tỉnh, LĐLĐ tỉnh, Sở LĐTB&XH tỉnh, UBND các huyện thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, các đơn vị truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền hạn chế tình trạng người lao động nhận BHXH một lần, để người lao động nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong việc ổn định đời sống, nhất là trong giai đoạn hiện nay. 
Theo cơ quan BHXH, khi lựa chọn hưởng BHXH 01 lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu.
Thứ nhất, người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng - nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già. Người tham gia BHXH khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế (từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5 - 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh, tùy theo nhóm đối tượng).
Thứ hai, người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già - độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.
Thứ ba, thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời. Nếu người đang hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận 1 lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc 1 lần.
Thứ tư, số tiền người lao động nhận BHXH 1 lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%; tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương.
Nếu người lao động hưởng BHXH 1 lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH 1 lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014. Khi không rút BHXH 1 lần, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là “của để dành” quý giá của người lao động; không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng.
Người lao động nên bảo lưu thời gian tham gia BHXH
Để không bị thiệt thòi, mất quyền lợi khi về già, theo BHXH Việt Nam, trong trường hợp với những khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập gây nên) người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện.
Người dân tham gia BHXH tự nguyện đều được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, với các mức hỗ trợ 10%, 25%, 30% tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn.
Ngoài ra, trong giai đoạn bảo lưu thời gian đóng BHXH, nếu không may người lao động qua đời, gia đình được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở. Thân nhân, tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi qua đời (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như BHXH 1 lần.

Tác giả bài viết: Bích Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây